Vi phạm tại dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc nên tới hàng trăm tỷ đồng

Thứ ba - 23/05/2017 10:19

 

Theo báo Thanh tra đưa tin mới nhất, Dự án (D.A) cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc vừa đi vào hoạt động khiến Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thua lỗ nghìn tỷ đồng, vượt xa những tính toán ban đầu, đến mức phải “cầu cứu” Chính phủ hỗ trợ tránh rơi vào tình trạng tạm ngừng hoạt động. Thế nhưng, quá trình thực hiện D.A này có nhiều sai phạm nghiêm trọng được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ.

    Sản xuất kinh doanh thua lỗ nghìn tỷ đồng

    Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận thanh tra số 514/KL-TTr ngày 29/12/2016 về công tác quản lý đầu tư xây dựng của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tại các D.A cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc và đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư.

    Theo thông tin từ Kết luận thanh tra số 514/KL-TTr, D.A cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc do Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư. Đây là công trình cấp 3. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 568 triệu USD tại Quyết định số 427/QĐ-HCVN ngày 20/10/2009 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

    Tính đến tháng 9/2016, tổng giá trị giải ngân của D.A là 10.016 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 4.125 tỷ đồng, vay các ngân hàng thương mại gần 3.282 tỷ đồng, vốn của công ty là 2.608 tỷ đồng.

    Theo báo cáo của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 19/3/2008, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam ban hành Quyết định số 212/QĐ-HCVN phê duyệt D.A, với thời gian dự kiến là 48 tháng. Tuy nhiên, do tiến độ chậm, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam liên tục phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện D.A.

    Thanh tra Bộ Xây dựng xác định, D.A chậm tiến độ lên đến 3 năm 9 tháng so với tiến độ dự kiến phê duyệt theo Quyết định số 212. D.A chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như điều chỉnh D.A, lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC nhiều lần, khó khăn trong giải phóng mặt bằng…

    D.A triển khai chậm tiến độ dẫn đến tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của D.A, Thanh tra Bộ Xây dựng nhận định.

    Theo báo cáo nghiên cứu khả thi là căn cứ triển khai D.A, D.A sẽ lỗ trong 2 năm đầu đi vào khai thác, năm đầu lỗ 596 tỷ đồng, năm thứ 2 lỗ khoảng 120 tỷ đồng và đến năm thứ 4 là hết lỗ.

    Tuy nhiên, ngay năm đầu đi vào khai thác, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lỗ tới 669 tỷ đồng, tăng 73 tỷ đồng so với dự báo. Năm 2016, công ty tiếp tục thua lỗ “khủng” với số tiền lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng, gấp gần chục lần so với dự báo ban đầu. Năm 2017, tình trạng sản xuất kinh doanh cũng không có tín hiệu “sáng sủa” hơn!

    Thậm chí, cuối năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang còn cảnh báo nguy cơ dừng sản xuất trong năm 2017 là rất lớn nếu Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc không cân đối được dòng tiền.

    Hiện nay, D.A cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 D.A nghìn tỷ thua lỗ mà Chính phủ đang quan tâm xử lý.

    Vi phạm nghiêm trọng

    Trước đó, tháng 8/2014, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán D.A và phát hiện một số tồn tại, thiếu sót của chủ đầu tư trong công tác quản lý đầu tư xây dựng D.A. Tổng số tiền vi phạm phát hiện, xử lý giảm lên đến 15 tỷ đồng, trong đó thu hồi về 9,8 tỷ đồng sai phạm.

    Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, D.A cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc được Sở Xây dựng Bắc Giang cấp chứng chỉ quy hoạch có nội dung mở rộng nhà máy về phía Tây và Tây Bắc với diện tích 22,56ha không phù hợp với đồ án điều chỉnh chung thị xã Bắc Giang đề năm 2020.

    Chủ đầu tư lập tổng mức đầu tư điều chỉnh còn một số thiếu sót do tính thừa chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí hạng mục tạm thời làm tăng tổng mức đầu tư của D.A hơn 62 tỷ đồng.

    Chủ đầu tư khởi công xây dựng các hạng mục thuộc gói thầu EPC khi chưa có giấy phép xây dựng (Giấy phép xây dựng được cấp sau đó 27 tháng - PV). Diện tích xây dựng các công trình theo thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với giấy phép xây dựng. Chiều cao tháp tạo hạt theo thực tế thi công vượt so với chiều cao tối đa được Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu chấp thuận và Giấy phép xây dựng là 5,2m.

    Giai đoạn năm 2008 - 2015, chủ đầu tư giao cho hàng trăm nhân viên tham gia quản lý D.A nhưng không hề có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý D.A đầu tư xây dựng công trình, đơn cử năm 2013 là 46/69 người, năm 2014 là 44/64 người, năm 2015 có 22/38 người.

    Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, chi phí quản lý D.A xác định không đúng quy định là 35 tỷ đồng, trong đó chi phí quản lý D.A tăng do xác định lại chi phí thuê tư vấn quản lý D.A trong phạm vi mức chi phí quản lý D.A theo quy định là 42 tỷ đồng; chi phí quản lý D.A giảm do xác định lại các khoản mục như chi phí họp nước ngoài phục vụ thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công là 6 tỷ đồng và chi phí đào tạo cán bộ, kỹ thuật để vận hành hệ thống máy móc của D.A là 1 tỷ đồng.

    Tiếp đó, chủ đầu tư thanh toán chi phí mua bảo hiểm các công trình tạm tại hiện trường và bảo hiểm cho người lao động của nhà thầu thi công gói EPC chưa đủ cơ sở. Giá trị thanh toán chi phí mua bảo hiểm chưa đủ cơ sở là 375 nghìn USD.

    Trên cơ sở các sai phạm nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể cá nhân đã để xảy ra sai phạm tại D.A cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế nêu tại kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng.

    Vậy, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của cơ quan thanh tra hay chưa?

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

    Nguồn: Báo thanh tra